Thương mại Công ty Đông Ấn cai trị Ấn Độ

"Xưởng Mellor" tại Marple, Đại Manchester, Anh, được xây dựng vào năm 1790–1793 để sản xuất vải muslin của Ấn Độ.

Sau khi Công ty Đông Ấn giành được quyền thu thuế tại Bengal vào năm 1765, họ gần như ngừng nhập khẩu vàng bạc để thanh toán cho hàng hóa nhập về Anh như trước.[71]

Xuất khẩu vàng bạc sang Ấn Độ, theo EIC (1708–1810)[72]
NămVàng bạc (£)Trung bình năm
9/1708-4/173312.189.147420.315
5/1734-6/175915.239.115586.119
1/1760-6/1765842.381140.396
7/1766-2/1771968.289161.381
3/1772-6/177572.91118.227
7/1776-5/1784156.10617.345
6/1785-3/17924.476.207559.525
4/1793-10/18098.988.165528.715

Giống như thời Đế quốc Mughal, tiền thuế đất thu được tại tỉnh Bengal được dùng cho các cuộc chiến của công ty tại các nơi khác của Ấn Độ.[71] Do đó trong giai đoạn 1760–1800, cung ứng tiền tệ của Bengal bị suy giảm nghiêm trọng; kinh tế suy sụp còn bắt nguồn từ việc đóng cửa một số xưởng đúc tiền tại địa phương và giám sát chặt chẽ các xưởng còn lại, ấn định tỷ giá hối đoái, và tiêu chuẩn hóa tiền xu.[71] Ấn Độ thay đổi vị thế trong giai đoạn 1780–1860, từ một nơi xuất khẩu hàng hóa gia công và nhận thanh toán bằng vàng bạc, trở thành một nơi xuất khẩu nguyên liệu thô và mua hàng tiêu dùng.[71] Trong thập niên 1750 hầu hết bông và lụa mịn được xuất khẩu từ Ấn Độ sang các thị trường châu Âu, châu Á, châu Phi; nhưng đến một phần tư thứ hai của thế kỷ 19, hầu hết hàng xuất khẩu của Ấn Độ là nguyên liệu thô, chủ yếu là bông thô, thuốc phiện và bột chàm.[73] Ngoài ra, từ cuối thế kỷ 18, ngành công nghiệp bông của Anh bắt đầu vận động chính phủ đánh thuế hàng nhập khẩu của Ấn Độ, trong khi cho phép họ tiếp cận thị trường Ấn Độ.[73] Bắt đầu từ thập niên 1830, hàng dệt của Anh bắt đầu xuất hiện tại Ấn Độ và nhanh chóng tràn ngập thị trường, giá trị nhập khẩu hàng dệt tăng từ 5,2 triệu bảng vào năm 1850 lên 18,4 triệu bảng vào năm 1896.[74] Nội chiến Hoa Kỳ cũng có tác động lớn đến nền kinh tế bông của Ấn Độ: Do chiến tranh bùng nổ, các nhà sản xuất tại Anh không còn tiếp cận được bông Mỹ; do đó nhu cầu về bông Ấn Độ tăng vọt và giá nhanh chóng tăng gấp bốn lần.[75] Điều này khiến nhiều nông dân Ấn Độ chuyển sang trồng bông để kiếm tiền nhanh; tuy nhiên đến khi chiến tranh kết thúc vào năm 1865, nhu cầu lại giảm mạnh, khiến nền kinh tế nông nghiệp lại chịu một cuộc suy thoái khác.[73]

Vào thời điểm này, Công ty Đông Ấn cũng bắt đầu phát triển mua bán với Trung Quốc. Đến đầu thế kỷ 19, nhu cầu về trà Trung Quốc tại Anh tăng mạnh; vì nguồn cung tiền tại Ấn Độ bị hạn chế và Công ty không thể vận chuyển vàng bạc từ Anh, nên họ đã quyết định chọn hình thức thanh toán sinh lợi nhất là thuốc phiện, vì mặt hàng này có thị trường ngầm quy mô lớn tại Đại Thanh và được trồng tại nhiều nơi của Ấn Độ.[76] Tuy nhiên, do chính quyền Trung Quốc cấm nhập khẩu và tiêu thụ thuốc phiện, Công ty Đông Ấn tham gia Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất. Theo Điều ước Nam Kinh để kết thúc chiến tranh, Công ty có được quyền tiếp cận năm cảng của Trung Quốc, và Hồng Kông được nhượng lại cho Quân chủ Anh.[76] Đến cuối nửa đầu thế kỷ 19, xuất khẩu thuốc phiện chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ.[77]

Một mặt hàng xuất khẩu lớn khác là bột chàm, nhưng nó có tính thất thường, sản phẩm được chiết xuất từ chàm tự nhiên được trồng tại Bengal và miền bắc Bihar.[78] Năm 1788, Công ty Đông Ấn đề nghị ứng trước cho 10 chủ đồn điền người Anh để trồng cây chàm; tuy nhiên do Dàn xếp Vĩnh viễn không cho phép người châu Âu mua đất nông nghiệp, nên họ quay sang ứng tiền trước để nông dân địa phương trồng cây chàm, và thỉnh thoảng còn cưỡng ép họ.[79] Quần áo màu xanh lam được ưa chuộng tại châu Âu vào đầu thế kỷ 19, và đồng phục màu xanh lam cũng phổ biến trong quân đội; do đó nhu cầu về thuốc nhuộm ở mức cao.[80] Tuy nhiên, nhu cầu về thuốc nhuộm của châu Âu không ổn định, và cả chủ nợ lẫn người trồng trọt đều phải gánh chịu rủi ro khi thị trường sụp đổ vào năm 1827 và 1847.[78] Sự bất mãn của nông dân Bengal cuối cùng dẫn đến khởi nghĩa chàm vào năm 1859–60, khiến sản xuất bột chàm tại đây phải chấm dứt.[79][80] Tuy nhiên, việc sản xuất bột chàm tại Bihar vẫn tiếp tục cho đến thế kỷ 20; huyện Champaran là một trung tâm sản xuất chàm và đến năm 1917 là nơi chiến lược phản kháng bất bạo động của Mohandas Karamchand Gandhi có thử nghiệm ban đầu.[81]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Công ty Đông Ấn cai trị Ấn Độ https://books.google.com/books?id=o9sCEAAAQBAJ&pg=... https://books.google.com/books?id=52aicl9l7rwC&pg=... https://books.google.com/books?id=d_J5DwAAQBAJ&pg=... https://books.google.com/books?id=8bqEzPPp8xIC&pg=... https://books.google.com/books?id=DJgnebGbAB8C&pg=... https://books.google.com/books?id=uzOmy2y0Zh4C&dq=... https://web.archive.org/web/20210501082716/https:/... https://web.archive.org/web/20191219213715/https:/... http://www.wolframalpha.com/entities/historical_ev... http://www.wdl.org/en/item/393/